Thứ Bảy, 12 tháng 1, 2013

Nuôi yến - thế mạnh của Cần Giờ


Theo huyện Cần Giờ, từ năm 2006, một số nhà đầu tư đến xã Tam Thôn Hiệp để xây dựng nhà nuôi chim yến, sau một năm đã có thu hoạch tổ yến. Nhận định đây có thể là điểm khởi phát cho một vật nuôi mới, góp phần chuyển dịch cơ cấu sản xuất tại địa phương một lần nữa (trước đó là con tôm nước lợ), vì vậy, UBND huyện Cần Giờ đã có công văn đề nghị UBND TPHCM về việc chấp thuận mô hình nuôi thí điểm chim yến trong nhà.
nha yen anpha
Một điểm nuôi chim yến ở Cần Giờ
66% trường hợp thành công
Năm 2008, UBND TPHCM chấp thuận nuôi thí điểm chim yến trong nhà tại huyện Cần Giờ với số lượng 10 căn nhà nuôi. Năm 2009 UBND huyện phê duyệt đề án nuôi thí điểm chim yến tại ấp An Hòa, xã Tam Thôn hiệp, cách xa khu dân cư. Từ 7 nhà đầu tư/10 căn đăng ký tham gia giai đoạn đầu, qua nhiều lần điều chỉnh, hiện nay đã có 10 nhà đầu tư tham gia xây dựng 10 căn nhà gây nuôi yến thí điểm. Diện tích nhà nuôi yến nhỏ nhất 100m2 và lớn nhất 1.000m2. Kết quả cho thấy, hộ ông Phạm Văn Út có diện tích xây dựng nhỏ nhất vẫn có yến về làm tổ, thu hoạch ổn định; hộ bà Lê Nguyễn Hồng Hạnh có diện tích lớn nhưng không có tổ yến nhiều, từ đó cho thấy quyết định hiệu quả kinh tế của mô hình nuôi phụ thuộc vào khâu thiết kế kỹ thuật. Theo huyện Cần Giờ, trong 10 nhà gây nuôi, chim yến đều bay về, 8 căn có yến về làm tổ, 2 căn trong giai đoạn dẫn dụ có yến bay về. Và trong số 8 căn này có 6 căn được đưa vào gây nuôi 2-3 năm, trong đó 4 căn đạt yêu cầu của nhà đầu tư (tỷ lệ 66%), có 2 hộ thu hoạch ổn định và hiệu quả kinh tế, lãi từ 600 triệu đồng – 1,8 tỷ đồng/năm, 2 hộ có nhiều tổ yến nhưng chậm thu hoạch do kỹ thuật gây đàn, 2 hộ không đạt yêu cầu do thiết kế sai kỹ thuật (tỷ lệ 33%). Từ cơ sở đạt được trên cũng như kết quả nuôi thực tế ở những nơi khác, có thể đánh giá mô hình này thành công tại địa phương.
Có nối gót phong trào nuôi tôm?
Cần Giờ có nhiều yếu tố thuận lợi về, thổ nhưỡng, sông nước, nhất là diện tích rừng ngập mặn rất lớn, trên 30.000ha, lại gần biển là nguồn thức ăn dồi dào cho chim yến, đồng thời là nơi đủ điều kiện thuận lợi để chim yến sinh sống và phát triển nhờ mật độ dân số toàn huyện rất thấp trong khi đây là huyện có diện tích tự nhiên rất lớn, trên 70.000ha. Việc phát triển nghề nuôi chim yến trong nhà mang lại hiệu quả kinh tế cao, thậm chí, không ít người cho rằng còn lợi thế hơn cả các tỉnh Khánh Hòa, Bình Thuận, Vũng Tàu, Long An... Theo Phó Chủ tịch UBND Cần Giờ Lê Văn Thơm, với kết quả đạt được cho thấy, đây là vật nuôi có thể phát triển thành ngành kinh tế quan trọng của huyện trong tương lai. Vì vậy, trong khi thí điểm 10 nhà nuôi ở Tam Thôn Hiệp thì thực tế toàn huyện số nhà nuôi lên đến 187 căn ở hầu hết các xã trong huyện, trừ xã đảo Thạnh An. Chỉ 5 tháng cuối năm 2012 có 33 căn mới được xây dựng thêm. Trong số đó, ngoài 10 căn thí điểm, 17 căn cho phép tồn tại do đã xây dựng trước đó, còn lại về mặt pháp luật là bất hợp pháp. Tất cả đều xin phép xây dựng nhà ở rồi chuyển qua nuôi yến.
Cần Giờ từng xuất hiện "cơn sốt" về nuôi tôm sú vào cuối những năm 1990, đầu năm 2000, do phát triển quá nhanh nên chính quyền cũng như ngành nông nghiệp đã bị động trong việc quy hoạch, quản lý, nhà đầu tư nuôi tự phát, tràn lan dẫn đến tình trạng nơi này thải nước ra, nơi khác lại lấy vào ao nuôi. Khi dịch bệnh phát sinh dẫn đến tình trạng chết hàng loạt và thất bại hàng loạt. Vì vậy, TP cần nhanh chóng có các bước tiếp theo để hợp pháp hóa việc gây nuôi cũng như đưa vào quản lý để mang lại thu nhập cho người dân. Không để bị động một lần nữa như con tôm, khi lần này, không còn giới hạn ở Cần Giờ phong trào nuôi yến đã lan rộng ra ở tất cả 5 huyện ngoại thành cũng như nhiều quận nội thành.
CÔNG PHIÊN
Trích từ  : http://www.sggp.org.vn/nongnghiepkt/2013/1/308645/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét