Thứ Bảy, 12 tháng 1, 2013

Công nghệ nào?


Có thể nói, khi nuôi yến, khâu quan trọng nhất quyết định sự thành công là trang thiết bị nuôi yến,thiết kế dẫn dụ yến. Bên cạnh việc xây dựng nhà nuôi yến, đây là khâu chiếm chi phí lớn. Thế nhưng hiện nay chưa có tài liệu chuyên môn hướng dẫn kỹ thuật gây nuôi nên các nhà đầu tư áp dụng các kỹ thuật khác nhau. Nhưng có lẽ do người đầu tiên nuôi chim yến ở Cần Giờ có chồng là người Malaysia và kết quả nuôi rất thành công. Hơn nữa, trong vùng Đông Nam Á, Malaysia dù là quốc gia nuôi yến sau Indonesia rất lâu, chỉ từ 1997 nhưng lại phát triển rất mạnh với khoảng 100.000 nhà nuôi và có sản lượng lớn. Vì vậy, công nghệ Malaysia được những người nuôi yến trong nước quan tâm cũng là điều bình thường.
Tùy theo kỹ thuật khác nhau nên chi phí đầu tư cũng khác nhau. Qua khảo sát các hộ nuôi, chi phí bình quân gồm máy điều chỉnh nhiệt độ, ẩm độ, âm thanh dẫn dụ chim yến làm tổ, internet... khoảng 1,4 triệu đồng/m2, thậm chí có hộ thuê chuyên gia Malaysia đến thiết kế giá... trên trời 7 triệu đồng/m2. Đơn giá trên tùy thuộc vào hợp đồng cam kết số lượng yến về làm tổ trong thời gian nhất định tại nhà nuôi. Ở Cần Giờ, đa số các nhà đầu tư theo phương pháp gây nuôi của Malaysia, trong đó hộ ông Nguyễn Thành Lập thuê hẳn chuyên gia người Malaysia. Những nhà đầu tư còn lại tự thiết kế bên cạnh sự hỗ trợ, tư vấn của các hộ có kinh nghiệm tại địa phương. Dù thuê mướn hẳn chuyên gia Malaysia, nhưng đây lại là trường hợp thất bại có thể nói là đau đớn, do bị vị "chuyên gia" Malaysia có thể do kỹ thuật kém hoặc đã lừa gạt nhà đầu tư, bỏ về nước. Vì vậy phải thuê chuyên gia đến điều chỉnh thiết kế. Hơn nữa, công nghệ Malaysia có khuynh hướng sử dụng nguyên liệu bằng gỗ, nên độ bền vật liệu không cao và người trong nghề nhận định, có sự lạm dụng hóa chất làm mùi dẫn dụ yến về.
Vì vậy, ông Nguyễn Hoàng Tuấn, Giám đốc Công ty cổ phần Sài Gòn Anpha cho rằng, nhà đầu tư, đặc biệt là những người mới tìm hiểu việc nuôi yến cần thận trọng, không nên quá kỳ vọng vào kỹ thuật nuôi từ nước ngoài, vì chi phí rất cao, mà lại xem thường kỹ thuật nuôi của chính người Việt Nam. Trong số 10 nhà nuôi thí điểm ở xã Tam Thôn Hiệp, huyện Cần Giờ chỉ có 2 hộ thiết kế đúng kỹ thuật ban đầu, không sửa chữa, đưa vào thu hoạch định kỳ có kết quả sau một năm gây nuôi. Hiện nay, khá nhiều nhà nuôi yến không chỉ ở Cần Giờ mà còn ở Nhà Bè, quận 2, 7, huyện Cần Giuộc (tỉnh Long An)... sau khi áp dụng công nghệ của Malaysia, có thể do chưa đạt kỹ thuật hay lý do nào đó đã thất bại hoặc yến vào làm tổ rất ít đã phải cầu cứu công ty, sử dụng công nghệ Việt Nam, sử dụng vật liệu bền vững hơn, tự nhiên, không phải hóa chất để điều chỉnh lại cho phù hợp hơn và hầu như đều cho kết quả khả quan.
ĐĂNG LÃM
Trích từ : http://www.sggp.org.vn/nongnghiepkt/2013/1/308647/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét